Các đơn vị thi công phát hiện nhiều cổ vật quý trong lúc thi công đường phố ở Quảng Ngãi hay nạo vét, luồng lạch cảng biển ở khu kinh tế Dung Quất.
Sáng 10/8, khi kiểm tra hiện trường thi công đường Lê Hữu Trác (TP Quảng Ngãi), các chuyên gia nhận định những phiến đá cổ vừa phát lộ trong lúc làm tuyến đường này thuộc Văn hóa Chămpa.
Đơn vị thi công phát hiện nhiều phiến đá cổ trên công trình đường Lê Hữu Trác, TP Quảng Ngãi.
Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, cho hay các phiến đá cổ này là di vật của tháp Chánh Lộ, có niên đại khoảng thế kỷ X - XI.
Theo ông Vũ, các nhà nghiên cứu từng công bố Chánh Lộ là tháp Chăm có quy mô lớn nhất ở vùng nam châu Amaravati của vương quốc Chăm, thuộc TP Quảng Ngãi ngày nay. Tháp bị hủy hoại, đổ nát theo thời gian và đến nay đã hoàn toàn mất dấu vết. Năm 1904, kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ người Pháp H.Parmentier từng khai quật tháp Chánh Lộ.
Kết quả khai quật có gần 100 hiện vật mang phong cách Chánh Lộ, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu, như: Tượng thần Brahma, thần Shiva, nữ thần Uma (vợ thần Shiva), thần giữ đền Dvarapala, vũ nữ Apsara, thủy quái Makala và các tượng, phù điêu động vật ngỗng thần Hamsa, chim thần Garuda, rắn thần Naga, sư tử, Gajasimha (đầu voi mình sư tử)...
Những cổ vật quý này đang được trưng bày tại bảo tàng Quảng Ngãi, bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng phục vụ khách tham quan.
Phù điêu nữ thần ánh sáng Uma được nhà khảo cổ phát hiện tại di tích tháp Chánh Lộ , TP Quảng Ngãi.
Cụm tháp Chánh Lộ từng hiện hữu trên diện tích kéo dài từ Kho bạc Nhà nước đến bệnh viện Sản Nhi ngày nay, thuộc phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi. Tên tháp gọi theo làng Chánh Lộ có quy mô gồm: Tháp trung tâm (sanctuaire) hình bát giác, kiểu dáng kiến trúc tháp Chăm hiếm hoi; tháp cổng ngõ và 2 tháp khác nằm về phía tây nam và đông bắc tháp trung tâm.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng đã yêu cầu UBND TP Quảng Ngãi chỉ các đạo đơn vị tạm dừng thi công đường Lê Hữu Trác, phía đông bệnh viện Sản Nhi.
Ông Dũng đề nghị các đơn vị thi công tổ chức bảo vệ hiện trường để cơ quan chức năng khảo sát, thăm dò khu vực phát lộ cổ vật trên tuyến đường này. Trường hợp sau khi thăm dò nếu phát hiện nhiều cổ vật cần khai quật thì lập phương án trình UBND tỉnh để khai quật khẩn cấp, phục vụ việc nghiên cứu và bảo tồn di tích theo quy định.
Cổ vật gốm sứ được phát hiện ở cảng Hào Hưng, khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi).
Trước đó, cuối tháng 7, khi thi công nạo vét, thông luồng cảng biển và luồng quay tàu ở cảng Hào Hưng, đơn vị thi công phát hiện nhiều cổ vật gốm sứ dưới biển.
Các chuyên gia nhận định số hiện vật gốm sứ cổ này thuộc thời nhà Minh, niên đại thế kỷ XVI, chìm dưới biển sâu 12 m. Nhiều khả năng tàu chở cổ vật gốm sứ đi qua vùng biển Quảng Ngãi thì gặp nạn, đắm nơi đây.